NSND - Đạo diễn Đào Bá Sơn: Nhìn điện ảnh với con mắt điềm tĩnh
 
Thứ Năm, 03/09/2015 11:24

Trong sự nghiệp gần 50 năm theo nghề, ở vai trò diễn viên, đạo diễn phim tài liệu, đạo diễn phim điện ảnh... NSND Đào Bá Sơn đã nhận rất nhiều giải thưởng nghệ thuật danh giá cho cá nhân và những tác phẩm của anh...

 
 
 
 
 

* PV: Vai ông Nguyễn Đạt của anh trong bộ phim truyền hình "Người đứng trong gió" đang phát sóng trên VTV3 là vai diễn mới nhất của anh hiện nay?

* NSND Đào Bá Sơn: Đúng vậy! Tôi tham gia không nhiều phim và thường phải đọc kỹ kịch bản, khi thấy vai phù hợp mới nhận lời. Tôi nhận lời tham gia Người đứng trong gió vì câu chuyện phim gay cấn, tính cách các nhân vật đều được đẩy đến tận cùng và bối cảnh chính của phim là một trang trại ngựa - có lẽ đây là lần đầu tiên có một bối cảnh như thế trong phim Việt. Đạo diễn Nam Yên vốn là học trò của tôi, nên tôi tham gia phim cũng một phần xuất phát từ tình cảm thầy - trò. Thật sự, Người đứng trong gió là một bộ phim truyền hình được làm cẩn thận, kỹ lưỡng và đạo diễn là người rất chỉn chu. Trong quá trình quay phim, phát sinh rất nhiều vấn đề, tốn kém thêm thời gian, kinh phí, nhưng tôi thấy nhà sản xuất vẫn vui vẻ tạo điều kiện cho đoàn phim - đó là điều đáng quý vì bây giờ hiếm có nhà sản xuất nào như thế. Tâm lý chung của người đầu tư làm phim bây giờ là làm sao cho gọn nhẹ, nhanh chóng, ít tốn kém nhất có thể.

 

 

* Vậy theo anh, phim ảnh Việt nói chung hiện nay đang như thế nào, vui hay buồn?

* Tôi nhìn điện ảnh với con mắt điềm tĩnh nên thấy... vui! Có phim dở, phim thảm họa là tất yếu, khi hầu hết các nhà sản xuất làm phim theo phong trào như hiện nay - kiểu thấy hài ăn khách thì đổ xô làm phim hài, rồi làm phim ma, phim kinh dị... Làm phim trong cơ chế thị trường, chúng ta phải nhìn nhận đến yếu tố cung - cầu. Khi khán giả còn thích, người ta vẫn làm; đến lúc khán giả chán đề tài này, các nhà sản xuất sẽ tìm đề tài khác để đáp ứng nhu cầu, sở thích cho họ. Chúng ta không nên coi đó là tác phẩm nghệ thuật mà chỉ xem những bộ phim ấy là sản phẩm hàng hóa thôi. Những nhà làm điện ảnh nghiêm túc thường thấy lo ngại trước trào lưu làm phim hàng loạt như thế này và băn khoăn nghĩ rằng: “Nếu phim Việt Nam cứ như thế này thì điện ảnh Việt sẽ đi về đâu?”. Nhưng tôi vẫn tin, chắc chắn sẽ có những bộ phim tốt. Thời gian qua, đã có nhiều phim do tư nhân sản xuất có chất lượng tốt, giàu ngôn ngữ điện ảnh và được làm rất chỉn chu, cẩn thận, như: Cánh đồng bất tận, Scandal 1, Lạc giới... Chỉ có điều, những phim như thế không nhiều. Các kỳ liên hoan phim quốc gia, liên hoan truyền hình cũng nhằm sàng lọc để tìm ra những “hạt vàng”. Tôi tin, khi các nhà sản xuất phim có lời, chắc chắn họ sẽ đầu tư làm phim nghệ thuật.

* Lại nói về phim đoạt giải thưởng: dù phim được đánh giá cao, nhận giải cao, nhưng thực tế khi phim ấy ra rạp, hầu như vắng khách. Vì sao lại có nghịch lý ấy?

* Điện ảnh Việt xóa bỏ bao cấp, gia nhập thị trường thì phải chấp nhận thực tế cung - cầu. Chúng ta cũng đừng yêu cầu cao quá vào khán giả, vì tôi thấy lứa tuổi đến rạp hiện nay chủ yếu trong khoảng từ 16 đến 28 tuổi. Chúng ta cũng chưa bao giờ có một cuộc điều tra xã hội học nghiêm túc về độ tuổi, trình độ học vấn của người xem nên các nhà sản xuất phim thương mại thường chú ý đến sở thích, “gu” của lớp khán giả trẻ và xây dựng hình tượng nhân vật phù hợp với lứa tuổi này. Những bộ phim nghệ thuật, được giải thưởng nghề nghiệp cao thường được làm theo đơn đặt hàng và kinh phí của nhà nước, nên phải phục vụ yêu cầu từ đơn đặt hàng này. Vì thế, phim sẽ kén khách hơn. Việc tiếp thị, quảng cáo cho những bộ phim này thường cũng không được chú ý, đôi khi là xem thường khâu này nên có nhiều phim tốt bị rơi vào khoảng trống.

* Là người làm nghề kỳ cựu với gần 50 năm trong nghề, anh nói gì khi nhìn lại chặng đường mình đã đi qua?

* Tôi thấy mình làm được nhiều việc, nhưng sau lưng vẫn có khoảng trống. Tôi vẫn đang đi trên con đường của mình bằng đam mê như ngày nào và công việc lôi tôi đi như một người say vậy. Vài năm lại đây, tôi có sự thay đổi rất lớn trong suy nghĩ về việc... kiếm tiền. Cho đến tận những năm gần nghỉ hưu, tôi giật mình nhìn lại mới thấy gia tài của mình chỉ có 7 triệu đồng. Đến lúc ấy tôi mới ý thức về việc kiếm và tích lũy tiền. Bây giờ, tuy nghỉ hưu nhưng tôi vẫn bận rộn với việc làm phim. Vẫn tham gia biên tập cho Hãng phim Giải Phóng - nơi tôi gắn bó làm việc từ thời trẻ đến khi nghỉ hưu và một vài hãng phim tư nhân khác. Tôi vui vì mình vẫn là người được làm nghề, sống được với nghề. Tuy làm nghề bây giờ dễ dàng hơn rất nhiều so với thời trước, nhưng thú thực là tôi cũng phải trải qua vài lần “mất lửa” khi ra hiện trường, rồi mới quen được với cung cách làm việc ấy!


NHƯ HOA (Nguồn SGGP)

 
Trường Giang nhiều lần thất tình chỉ vì nghèo (Thứ Ba, 01/09/2015 11:01)
Tấn Beo: Biết khóc, mới trân trọng từng nụ cười… (Thứ Năm, 27/08/2015 02:16)
Midu: Lục Bình là vai diễn để tạm biệt thế giới nhiều thị phi! (Thứ Ba, 18/08/2015 09:49)
Trần Bảo Sơn: Cảnh khỏa thân 100% trong Quyên nếu để lộ ra thì... chết tôi (Thứ Hai, 10/08/2015 02:44)
Thúy Hằng: Anh biết em khổ thế nào không? (Thứ Hai, 03/08/2015 10:33)
Vũ Ngọc Đãng - Trong mắt tôi, bãi rác cũng phải đẹp! (Thứ Hai, 27/07/2015 09:37)
Ông Lâm Chí Thiện: "Đòi hỏi cao phải đồng hành với trách nhiệm lớn" (Thứ Năm, 16/07/2015 09:20)
Mạc Can: 'Có nghèo cũng cạp đất mà ăn' (Thứ Sáu, 10/07/2015 09:15)
Nhà văn Lại Văn Long: “Cái duyên” giữa văn học và điện ảnh (Thứ Tư, 01/07/2015 03:30)
Thanh Tú: Linh có cuộc đời của mẹ và tính cách của tôi! (Thứ Tư, 24/06/2015 10:53)
Trần Bảo Sơn trải lòng về cảnh nóng trong phim Quyên (Thứ Tư, 24/06/2015 10:36)
Tiểu Quyên ra mắt "Cỏ lau vạn dặm" (Thứ Tư, 24/06/2015 10:11)
Bảo vệ bản quyền điện ảnh - truyền hình: nan giải (Thứ Sáu, 12/06/2015 11:30)
NSND Bùi Bài Bình: Tôi muốn thể hiện Bác "đời" nhất! (Thứ Hai, 01/06/2015 11:18)
Minh Thảo: Không tạo tên tuổi bởi scandal (Thứ Sáu, 29/05/2015 02:10)
 
 
 
LIÊN HỆ
Đề cử
Bình chọn
Giới thiệu
TRANG CHỦ
Bản quyền thuộc Tập đoàn Quốc tế Truyền thông IMC. Bảo lưu mọi quyền.

Địa chỉ: 62 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, Tp.HCM. Email: info@imcorp.com.vn. Điện thoại: (028) 3848 0678