Các nghệ sĩ lên tiếng - Điện ảnh cần nhà nước đặt hàng, tài trợ!
 
Thứ Tư, 08/10/2014 09:35

Việc Nhà nước cần tiếp tục đặt hàng để làm những bộ phim có đề tài lịch sử, lãnh tụ, truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc ngoài… là cần thiết để bảo trợ cho nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam nói chung, cho nền điện ảnh dân tộc nói riêng.

 
 
 
 
 

Các nghệ sĩ lên tiếng - Điện ảnh cần nhà nước đặt hàng, tài trợ!

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn

Một thời gian dài từ những bộ phim đầu tiên cho đến nay, việc Nhà nước tài trợ sản xuất phim theo tôi là một phương thức tốt và cần thiết để có thể cho ra đời những tác phẩm hay. Không bị áp lực bởi ý nghĩ phải thu hồi vốn cho nhà sản xuất, người làm phim có thể thỏa sức sáng tạo theo những rung động nghệ thuật của riêng mình, phản ánh chân thực xã hội và con người Việt Nam, đặt qua một bên những chiêu trò câu khách không thích hợp.

Tôi chưa được xem phim Sống cùng lịch sử nên không thể đánh giá chất lượng, nhưng nói chung, tình trạng chênh lệch lượng người xem dòng phim nghệ thuật so với phim thương mại  ở nước nào cũng có. Điều đáng buồn là khoảng cách này ở nước ta quá lớn và có quá nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, có khi ngoài tầm kiểm soát của người làm phim. Nhưng dù vì lý do gì đi nữa vẫn cần có những người làm phim đeo đuổi dòng phim này, và những đạo diễn nỗ lực chiến đấu với “cối xay gió” như anh Nguyễn Thanh Vân thực hiếm.

1._o_din_Vinh_Sn

Đạo diễn Vinh Sơn

Thực ra, bàn về hiệu quả kinh tế, xã hội, những bộ phim thuộc dạng này cũng có cách thu hoạch của riêng nó, và không kém phần quan trọng. Công chúng đã xem phim Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng Mười, Đời cát… cách đây khoảng mấy mươi năm và con cháu họ cũng sẽ xem những phim này mấy chục năm về sau vì những giá trị của nó. Trong khi có những phim ăn khách dồn dập trong những ngày Tết một năm nào đó, rồi sau đó biến mất. Người xem không muốn nhắc tới đã đành, mà tôi nghĩ có thể chính tác giả bộ phim cũng muốn quên nó đi. Hoặc ví như phim Chơi vơi, Mùa len trâu, Tâm hồn mẹ phát hành ở rạp không nhiều người xem, nhưng được đón chào ở các LHP quốc tế, giao lưu văn hóa với các nước, thì phải tính lời lỗ doanh thu như thế nào cho sòng phẳng?

Nhà quay phim Lý Thái Dũng

Thực tế chứng minh một điều, khi bắt tay xây dựng mỗi dự án của dòng phim nào thì ngay từ đầu, những người thực hiện đều đã xác định rõ đối tượng xem phim là ai. Và họ, nhà sản xuất, cùng đạo diễn và các thành phần chính sẽ nỗ lực thực hiện để đạt mục đích là phục vụ tối đa nhu cầu của đối tượng xem dòng phim ấy.

Ở Việt Nam, hay khu vực Châu Á cũng vậy, với dòng phim độc lập, kiếm được tiền đầu tư vô cùng khó khăn.  Nguồn kinh phí làm phim hầu hết do các nhà sản xuất, đạo diễn tự vận động để có được từ các Quỹ Văn hóa, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh của nước ngoài. Những quỹ này không đặt mục đích thu lại nguồn kinh phí đã đầu tư, nhưng họ có tiêu chí riêng để tài trợ cho từng dự án. Đó là sự tất nhiên của mọi nhà đầu tư. Nếu đem chiếu tại rạp thì những bộ phim thuộc dòng phim này khá kén chọn khán giả và vì vậy, không nên đánh giá mức độ thành công của các phim độc lập bằng số lượng người xem và lợi nhuận. Phim độc lập hướng tới những LHP danh tiếng, nếu có cơ may được chọn tham dự xét giải ở một hạng mục nào đó, nhà làm phim đã có thể tự hào. Hoặc khi được chiếu để quảng bá, giới thiệu ở các trường đại học, các cộng đồng văn hóa (nước ngoài), hoặc may mắn hơn được chiếu trên một kênh truyền hình tên tuổi mà nhà đầu tư, nhà sản xuất liên kết được, hoặc do đối tác thấy phù hợp nên mời thì tên tuổi của Quỹ đầu tư, của nhà sản xuất, của người làm phim có cơ hội để khẳng định nhiều hơn. Mỗi bộ phim độc lập có thể tiềm ẩn trong nó manh nha của một tài năng, hoặc bộc lộ một thiên tài. Đã có những tên tuổi đạo diễn được khẳng định ngay từ bộ phim độc lập đầu tay của mình. Với kinh phí không quá lớn, nhà sản xuất có thể chấp nhận để cho đạo diễn bộc lộ cái tôi của mình trên ý tưởng kịch bản và dự án làm phim đã được một hoặc nhiều nhà đầu tư tài trợ.

2._Ly_Thai_Dung
 

Nhà quay phim Lý Thái Dũng

Với dòng phim thương mại, bản thân danh từ tạm gọi cho dòng phim này đã thể hiện rõ mục đích cuối cùng của nó là lợi nhuận. Thứ hàng hóa đặc biệt này được đầu tư vô cùng bài bản từ khâu đầu tiên đến cuối cùng, với bất cứ hãng sản xuất phim nào trên thế giới. Trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin truyền thông, trong một “thế giới phẳng”, với đặc thù sản phẩm có “vòng đời” ngắn (từ 1 đến 2 tháng), với đối tượng bỏ tiền mua vé là đa số người trẻ thì sự thành hay bại của phim thương mại là điều khó lường. Chính vì điều đó, mọi yếu tố của bộ phim, từ nội dung tới hình thức thể hiện đều hướng tới nhu cầu số đông những người bỏ tiền mua vé.

Ở Việt Nam, người bỏ tiền mua vé xem phim (nói chung) chủ yếu ở các thành phố lớn, nơi tập trung các cụm rạp hiện đại, phim mới cập nhật gần như song hành về thời gian với thế giới (phim nhập), thứ đến là các đô thị tương đối hiện đại. Trong khi 80% dân số Việt Nam sống tại nông thôn, mức sống thấp, nhu cầu mưu sinh để đảm bảo no ấm thường nhật chi phối và ảnh hưởng lớn đến nhu cầu hưởng thụ tinh thần (ví như việc mua vé để đến rạp xem phim là rất hạn chế, cho dù giá vé xem phim nếu có bán ở các vùng này chắc chắn là hạ thấp nhất có thể). Như vậy, với những phim thương mại đang có ở Việt Nam, khó có thể ngờ vực khi nhận định, nó được làm ra để hướng tới số đông là những người ở thành phố, đô thị như đã nói ở trên, đặc biệt là lớp người trẻ - với đầy đủ những ưu, khuyết điểm, mặt tốt, mặt xấu, tích cực, hạn chế của độ tuổi, giới tính, trình độ văn hóa, nhận thức, gu thẩm mĩ… Song, dễ nhận thấy rằng, tính giải trí là tiêu chí hàng đầu mà nhà sản xuất đặt ra đối với dòng phim này. Nội dung phim thường xoay quanh những câu chuyện, những vấn đề được cho là “hot” đang diễn ra trong đời sống xã hội, đang được đa số nhóm công chúng này quan tâm; độ “hot” có thể ở nhiều khía cạnh, cả tích cực và tiêu cực, ví dụ: chuyện phim có yếu tố ma, kinh dị, kì bí; chuyện hậu trường của giới showbiz; chuyện hài hước, chọc cười, vấn đề của giới tính thứ ba… Có “thức thời” như vậy, nhà đầu tư mới mong thu hồi nguồn vốn. Cũng vì vậy, không thể đòi hỏi nhà sản xuất phim tư nhân sản xuất những bộ phim để thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Đối với dòng phim do Nhà nước đặt hàng, tài trợ, nhóm đề tài được quy định theo Luật Điện ảnh để đủ điều kiện đặt hàng, đó là phim truyền thống lịch sử, chiến tranh cách mạng, văn hóa dân tộc, đề tài miền núi, xây dựng đất nước và con người, đề tài thiếu nhi… với mục đích rõ ràng để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân, phổ biến sâu rộng trên phạm vi toàn quốc, đến tận các bản làng miền núi, vùng sâu vùng xa, chiếu phục vụ bộ đội toàn quân và để thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Nhng_phim_nh_ng_t_lm_sao_ong_m_bng_doanh_thu

Những phim như Đừng đốt làm sao đong đếm bằng doanh thu

Như đã nói ở trên, nếu dòng phim thương mại để đáp ứng nhu cầu của người dân thành thị, thì dòng phim truyền thống do Nhà nước đặt hàng không chỉ để thực hiện nhiệm vụ chính trị mà các dòng phim như độc lập, thương mại không thể đảm nhiệm, mà còn thể hiện chính sách ưu việt là dành cho nhân dân, với việc phổ biến miễn phí thông qua các đội chiếu bóng lưu động thuộc 63 tỉnh thành cả nước. Những bộ phim này được chiếu trong các Đợt phim kỷ niệm những ngày Lễ trọng đại của đất nước và dân tộc. Rõ ràng không thể chiếu một bộ “phim kinh dị , có yếu tố ma” để chào mừng ngày Quốc khánh; hoặc cũng thật khó để mà ủng hộ ý tưởng chiếu một bộ phim mà báo chí vẫn hay gọi là “hài nhảm” trong Lễ kỷ niệm để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, người có công với Cách mạng… Chính vì vậy có một thực tế là, cho đến nay, khi đất nước đã có 69 năm kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Tám thành công, vậy mà hầu như cứ đến dịp này, Đài truyền hình Việt Nam vẫn phát lại bộ phim Sao Tháng Tám của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, hoặc đến ngày kỷ niệm quân dân ta chiến thắng pháo đài B52 của đế quốc Mỹ năm 1972, và để tưởng niệm những chiến sĩ, những người dân đã mất trong thời điểm này, chúng ta vẫn được xem lại bộ phim Em bé Hà Nội trên sóng truyền hình; nhân dân nông thôn, miền núi, các huyện, bản làng vùng sâu, xa được xem lại thông qua hơn 300 đội chiếu bóng lưu động. Hàng chục nghìn lượt khán giả xem phim trên màn ảnh lớn, hàng triệu khán giả tiếp tục xem những phim này trên màn ảnh nhỏ, đó là lợi ích không thể đong đếm bằng tiền. Tuy nhiên, điều đó không chỉ thể hiện mức độ cần thiết của những bộ phim đề tài truyền thống, chiến tranh cách mạng, mà còn cho thấy, chúng ta đang tiếp tục thiếu tác phẩm mới của dòng phim vẫn cần thiết và đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam. Để giải quyết sự thiếu hụt này, rõ ràng Nhà nước cần phải đầu tư sản xuất. Những bộ phim như Đừng đốt, Mùi cỏ cháy, Sống cùng lịch sử, Những người viết huyền thoại, đã và đang bù đắp sự thiếu hụt này.

Rõ ràng, nhìn nhận sơ qua đặc điểm của ba dòng phim tạm gọi như trên, để thấy mỗi dòng phim có những mục tiêu riêng, giá trị, khán giả riêng của nó. Không nên so sánh dòng phim này với dòng phim khác về doanh thu hay về hình thức, nghệ thuật thể hiện. Ba dòng phim này luôn cần thiết tồn tại đồng thời trong đời sống xã hội đang đổi mới, phát triển và hội nhập của chúng ta. Và cho dù là dòng phim nào, thì nhà sản xuất, người làm phim đều cần phải đáp ứng tiêu chí của nhà đầu tư nguồn vốn. Điều này không nằm ngoài sự vận động tất yếu của nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, khi xã hội càng phát triển, mức sống và thu nhập của người dân tăng, dân trí cao hơn thì tỉ lệ xuất hiện của ba dòng phim này sẽ thay đổi. Và đến một lúc nào đó, cũng có thể xuất hiện sự cân bằng hài hòa cả 3 yếu tố: độc lập, thương mại, nghệ thuật cao siêu trong một bộ phim. Hiểu nôm na trong một ví dụ như: có một bộ phim nào đó, vừa có ý tưởng thông điệp nhân văn, với một đề tài không dễ làm (chiến tranh cách mạng chẳng hạn), vừa thể hiện được cái tôi cá tính sáng tạo độc lập, đặc biệt của tác giả, lại vô cùng hấp dẫn công chúng, bán được rất nhiều vé… Điều này có lẽ cũng vẫn là khát vọng của nhiều nền điện ảnh lớn trên thế giới. Nhưng cũng cần khẳng định rằng, đã có không ít những bộ phim như vậy trong lịch sử điện ảnh thế giới. Đó là những bộ phim được ghi nhận, tôn vinh, được công chúng toàn cầu yêu thích. Đó cũng là những tác phẩm được sản xuất ở những quốc gia có nền công nghiệp phát triển, nền công nghiệp điện ảnh phát triển rực rỡ và có truyền thống lâu đời, có những tên tuổi nghệ sĩ lẫy lừng. Những kiệt tác ấy gắn liền với những dấu mốc quan trọng của nhân loại, được đầu tư với kinh phí khổng lồ cùng những tên tuổi lừng danh và công nghệ hiện đại bậc nhất vào thời điểm sản xuất. Tuy nhiên, số lượng những bộ phim ấy không nhiều, có thể nói là rất ít. Tôi thường xuyên đến rạp xem rất nhiều phim, gần đây nhất phim Kẻ trộm sách, trong rạp cũng chỉ có 7 người; bộ phim 12 năm nô lệ cũng phải ngừng chiếu sau 2 tuần, Tổng thống Lihncon cũng cùng số phận. Nhiều phim cứ tạm gọi là “thương mại” của điện ảnh tư nhân cũng chỉ có doanh số vô cùng thất vọng. Chắc hẳn nhiều người biết về không ít nhà sản xuất của ta phá sản, nhiều chủ đầu tư mất nhà...

Như vậy để thấy, việc đòi hỏi điện ảnh Việt Nam (cả hãng phim Nhà nước và tư nhân)  phải có ngay lập tức những bộ phim “3 trong 1” là sự đòi hỏi nóng vội. Việc so sánh phim Việt Nam với những phim bom tấn, hoặc những bộ phim danh giá của những nước phát triển là sự so sánh thiếu công bằng. Không thể so sánh nền điện ảnh của một quốc gia có thu nhập đầu người gần 2000 USD với nền công nghiệp điện ảnh của những quốc gia có thu nhập cao gấp 25 lần. Và ngay ở những quốc gia phát triển, phim hay vẫn chỉ chiếm một tỉ lệ không lớn trong hàng trăm phim được làm ra mỗi năm.

Việc Nhà nước cần tiếp tục đặt hàng để làm những bộ phim có đề tài lịch sử, lãnh tụ, truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc ngoài… là cần thiết để bảo trợ cho nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam nói chung, cho nền điện ảnh dân tộc nói riêng. Chúng ta cần những tác phẩm mang thương hiệu “Made in Vietnam” có uy tín và có sức lan tỏa sâu rộng trong nước và nước ngoài. Thiết nghĩ, đó cũng là một phần nội dung, mục đích của  “Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11/11/2013.

Cnh_ng_hoang_l_bi_ca_p_v_tnh_yu_ca_in_nh_Vit_Nam
 

Cánh đồng hoang là bài ca đẹp về tình yêu của điện ảnh Việt Nam

Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc

Những bộ phim làm nên thương hiệu của Việt Nam, có sức sống lâu bền, có sự lan tỏa không chỉ trong nước mà cả quốc tế, đó là những phim của điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Tại sao Cánh đồng hoang, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm hay Bao giờ cho đến tháng 10… mãi mãi “bất tử” vì được đặt đúng vị trí của nó, là những tượng đài của điện ảnh Việt Nam. Đó là một chân lý hiển nhiên. Chỉ khi chuyển sang cơ chế thị trường thì điện ảnh Cách mạng Việt Nam không còn độc quyền nữa và khi đó tồn tại ba dòng phim: dòng phim Nhà nước đặt hàng, dòng phim thương mại và dòng phim độc lập.

Với những người làm phim thương mại, mục đích số 1 của họ là kiếm tiền nên sẽ làm đủ mọi chiêu trò để có lợi nhuận. Chỉ nhìn vào các tên phim như Tèo em, Long Ruồi, Đoạt hồn, Hiệp sĩ mù… cũng đã bộc lộ tính chất thương mại. Nhưng nếu bình tĩnh nhìn nhận thì từ khi dòng phim thương mại ra đời, những bộ phim đông khách phần lớn đều là… phim nhảm. Tuy nhiên, nhiều phim thương mại, dù được đầu tư lớn, quảng cáo rùm beng (Lửa Phật, Đường đua…) khi ra rạp cũng chết thảm hại. Mặt khác, bản thân thị trường phim chiếu rạp Việt Nam (mà khán giả phần lớn là tuổi teen) cũng rất khó chiều, khó nắm bắt khiến cho những người làm phim thương mại, mỗi lần phim ra rạp là lo ngay ngáy, thót cả tim (lời TGĐ hãng phim Thiên Ngân). Ngay cả những phim ngoại nhập như 12 năm nô lệ (đoạt giải Oscar của Mỹ và là 1 trong 10 phim doanh thu cao ở Bắc Mỹ) nhưng khi về Việt Nam thì khán giả xem cũng lác đác, hay Đại thủy chiến của Hàn Quốc chiếu tại nước sở tại thì có đến 1/3 dân số Hàn Quốc đi xem, doanh thu gấp 5 lần sản xuất, nhưng khi chiếu ở Việt Nam thì lượng khán giả cũng không hề đông. Vì vậy, ở thị trường điện ảnh Việt Nam, tại thời điểm này, một bộ phim có doanh thu phòng vé ngất ngưởng, cũng chưa thể khẳng định đó là giá trị đích thực của một nền điện ảnh phát triển.

3._Dinh_Thien_Phuc
 

Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc

Còn dòng phim đặt hàng? Đó là những bộ phim phục vụ mục đích chính trị, phục vụ lịch sử, phục vụ đề tài miền núi, biển đảo hoặc phục vụ đề tài thiếu nhi… Những đề tài đó đương nhiên tư nhân không làm và những nhà làm phim độc lập cũng không làm. Đó là nhiệm vụ của các hãng phim Nhà nước. Đối với dòng phim này, việc đặt nặng doanh thu phòng vé không phải là nhiệm vụ chính, mà nhiệm vụ chính là hướng tới đông đảo khán giả.

Cũng cần sòng phẳng về khái niệm khán giả. Từ điển tiếng Việt định nghĩa khán giả là người xem biểu diễn nghệ thuật, thể thao hay các sự kiện văn hoá… Xem trận bóng đá U19 Việt Nam gặp Nhật Bản, không chỉ có 40 vạn người bỏ tiền mua vé vào sân Mỹ Đình mới được gọi là khán giả, mà còn có hàng triệu khán giả xem qua truyền hình… Khán giả không chỉ bao gồm những người bỏ tiền mua vé. Nếu nói về doanh thu bán vé, Tèo em có thể cao gấp bội Đừng đốt. Nhưng nếu để nói về lượng khán giả xem thì khán giả xem Đừng đốt sẽ đông hơn rất nhiều so với Tèo em. Thứ hai, xét về mặt hiệu quả thì với Đừng đốt rõ ràng hiệu quả thẩm mỹ, giáo dục, nghề nghiệp chắc chắn hơn hẳn Tèo em. Thứ ba, xét về mặt sức sống thì tôi nghĩ Đừng đốt sẽ sống lâu, sống thọ hơn Tèo em gấp nhiều lần.

Với một nền công nghiệp điện ảnh, việc tồn tại những dòng phim khác nhau là rất bình thường và thế giới cũng vậy. Chẳng hạn Mỹ có phim về Lihncon hoặc Trung Quốc có Đại nghiệp kiến quốc kỷ niệm 60 năm thành lập Cách mạng Trung Quốc. Không nước nào là không có chế độ bảo hộ điện ảnh, ngay cả Mỹ cũng vậy.

Việc đặt hàng là Nhà nước giao cho những người nghệ sĩ phục vụ những nhiệm vụ chính trị lớn. Những phim đó không nhằm mục đích thương mại, không nhằm giải trí mà hướng đến những cái chân, thiện, mỹ, hào khí dân tộc, có sức sống lâu bền. Hiệu quả của dòng phim chính thống này rất sâu rộng, to lớn, không dễ cân đong đo đếm, không phải cứ có tiền là mua được!

Biên kịch Hoàng Nhuận Cầm

Nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã ghi được nhiều thành công và dấu mốc trên từng chặng đường từ những bộ phim đầu tiên như Chung một dòng sông, Con chim vành khuyên cho đến Nổi gió, Mối tình đầu hay gần đây có những phim như Đừng đốt, Mùi cỏ cháy đều là những dòng phim chính thống với đề tài về lịch sử đất nước. Rõ ràng nó đã ghi được những dấu ấn lớn trong tâm hồn cũng như trong trái tim của người xem. Cụ thể tôi thấy trong mỗi dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, truyền hình thường trích một đoạn phim trong Sao Tháng Tám của đạo diễn Trần Đắc, hay kỷ niệm toàn quốc kháng chiến lại trích những thước phim về Hà Nội, mùa đông năm 1946 thì rõ ràng các nghệ sĩ ở đây đã làm được vai trò của những người chứng nhân lịch sử và những thước phim đó đã được trích dẫn đầy sức thuyết phục. Như vậy, những người làm phim chính là những người chép sử và dựng lại lịch sử một cách thành công. Thêm nữa, nhìn ra nước ngoài, tôi thấy trong 12 phim hay nhất của lịch sử điện ảnh thế giới thì có đến hai phim Nhà nước đặt hàng là Chiến hạm Potemkin, Người mẹ. Do vậy, tôi thấy vấn đề Nhà nước đặt hàng là vô cùng quan trọng và cần thiết. Khi đó, vai trò tuyên truyền, nhiệm vụ chính trị, thời sự cần đặt lên hàng đầu, chứ không phải làm ra những bộ phim mang tính thời vụ. Song nếu chúng ta phát huy được khả năng kinh doanh thì cũng rất tốt, nhưng phải nhìn thấy được những bộ phim Nhà nước đặt hàng lãi suất quan trọng nhất không phải là lãi suất kinh tế, tính số vé mà là lãi suất của tâm hồn, của cái đẹp, của sự cổ vũ, nhắc nhở, động viên mọi người luôn nhớ rằng chúng ta đang sống với một bề dày lịch sử rất đáng tự hào và làm sao để lịch sử luôn luôn đồng hành và tồn tại.

4._Hong_Nhun_Cm
 

Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm

Việc bộ phim 21 tỷ đồng vừa qua không bán được một vé, tôi cho rằng khuyết điểm đầu tiên mà chúng ta mắc phải đó là nghiệp vụ nâng cao hiệu quả phổ biến phim Nhà nước đặt hàng gần như không có gì. Trước đây, bộ phim Mùi cỏ cháy khi chiếu cho bà con Quảng Trị đã có rất đông người xem. Tôi ấn tượng với hàng ghế đầu khi trên mỗi chiếc ghế có một chiếc mũ tai bèo, một chiếc ba lô và thắp một ngọn nến. Tôi thấy bà con như được bước vào một cõi linh thiêng vô cùng mà quảng cáo cũng không có gì tốn kém cả. Hay gần đây khi mang Sống cùng lịch sử chiếu cho bà con Điện Biên xem, tôi thấy xe ô tô dán từng chiếc áp – phích phim chạy đến từng ngõ ngách thông báo, với những bài hát về Điện Biên vang lên và bà con háo hức chờ đợi từ 8h sáng cho đến 7h tối để được xem. Rõ ràng, họ có được một tinh thần chuẩn bị mặc dù PR cũng rất giản dị. Tôi thấy vấn đề PR, nâng cao phổ biến phim là cả một nghiệp vụ, nhưng tùy mỗi địa phương chúng ta sẽ áp dụng. Việc phim 21 tỷ ra mắt vừa qua “không kèn không trống” là một sự việc rất đáng tiếc. Đây là một bài học cần phải rút kinh nghiệm một cách sâu sắc.

Họa sĩ Vũ Huy

Bất cứ một quốc gia nào cũng có quyền tự hào chọn cách để tuyên truyền hệ thống chính trị cũng như sự bền vững của đất nước đó. Chúng ta còn muốn tồn tại một đất nước gọi là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì cần phải tự hào về một nền điện ảnh dân tộc. Từ năm 1954, Bác Hồ đã quyết định thành lập ngành Chiếu bóng và đội ngũ lúc ấy phát triển rất mạnh nhờ vào sự giúp đỡ của Liên Xô, Đức về đào tạo. Có những lúc đỉnh cao là sản xuất 12 – 13 phim/ năm. Hiện nay, nhân dân ta cũng vẫn thích điện ảnh nhưng có điều không có định hướng và lỗi đó thuộc về những người lãnh đạo văn hóa. Nhà nước không phải không có quan tâm, vẫn bỏ tiền cho điện ảnh.

5._V_Huy
 

Họa sĩ Vũ Huy

Tôi vẫn thường hỏi các nhà lãnh đạo là hiện nay vai trò của những nhà phê bình ở đâu, cứ tranh luận đâu đâu để bây giờ còn đặt câu hỏi có nên hay không nên làm những bộ phim tuyên truyền. Một đất nước sống bằng tuyên truyền, bản chất của chủ nghĩa xã hội là như vậy, tuyên truyền để góp phần tôn vinh những giá trị nhất định thì tại sao lại không. Tôi khẳng định là điện ảnh vẫn rất cần dòng phim tài trợ đặt hàng, thậm chí không phải là chỉ có phim lịch sử dành cho các ngày lễ mà còn cần những bộ phim tôn vinh về vấn đề đạo đức, tôn vinh những giá trị luân lý. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải ngồi lại với nhau và ý thức được trách nhiệm của mỗi người, kể cả tư nhân khi nhận tiền làm phim họ cũng phải ý thức để làm bộ phim tốt nhất, nhưng trách nhiệm ấy phải kèm theo những quy chế và nếu như không làm được thì vấn đề sẽ như thế nào.

Một vài ý kiến trích dẫn

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã (Theo Nhà báo & Công luận)

“Không ai bỏ tiền mua vé vì lòng yêu nước hết. Ngay cả khi bỏ tiền để quảng bá cho phim thì cũng phải xác định luôn là không có doanh thu, tức là đừng nghĩ đến chuyện bán vé. Vì mục tiêu làm phim khác. Làm phim tuyên truyền giống như việc “cúng giỗ” vậy. Có ai làm giỗ mà nghĩ đến việc có lãi không? Làm phim tuyên truyền cũng vậy, là dịp để đánh thức lòng yêu nước ở mỗi người. Nhưng nếu nói rằng yêu nước thì phải mua vé xem phim thì đừng mong chờ. Nếu chúng ta cứ giữ lối so sánh này thì không còn ai dám làm phim lịch sử nữa mà chỉ đi làm phim giải trí thôi. Thước đo để đánh giá thành công của bộ phim Sống cùng lịch sử phải ở kênh khác, đó là nên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về phim, thông qua các đoàn đội, các trường học để thu hút sự quan tâm chú ý của khán giả trẻ. Nhưng sau khi làm tất cả những việc ấy thì vẫn phải phát không cho khán giả đến xem chứ không phải với mục đích bán vé thu tiền. Nếu phim tạo ra hiệu ứng xã hội tốt thì đó chính là “doanh thu” và đó mới chính là sứ mệnh mà bộ phim cần hướng tới”.

Bà Đinh Thanh Hương – Tổng Giám đốc hãng phim Thiên Ngân (Theo Đất Việt)

“Đánh giá kết quả thì phải dựa vào mục đích. Ví dụ, tôi trồng phong lan để ngắm hoa thì tôi sẽ không mong chờ gì hái quả lan, chứ ngắm hoa xong rồi đòi cây lan phải có quả ăn thì vô lý quá. Một bộ phim được đầu tư vì mục đích tuyên truyền hay nghệ thuật thì không nên đánh giá nó thành hay bại từ góc độ thương mại. Ví dụ phim Chơi vơi của  Bùi Thạc Chuyên, Bi ơi đừng sợ của Phan Đăng Di đoạt giải ở những LHP đẳng cấp thế giới nhưng về Việt Nam, ra rạp thì doanh thu cả hai phim sau mấy tuần công chiếu không bằng doanh thu một ngày chiếu Tết của Quả tim máu. Đấy là một sự thật chua xót, nhưng nó cũng nói lên một điều là không nên nhìn vào doanh thu mà vội chê trách một bộ phim”.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh – Giám đốc hãng phim BHD (Theo vov.vn)

“Một bộ phim do Nhà nước đặt hàng về đề tài lịch sử mà lại yêu cầu phải ăn khách thì tôi nghĩ, nhà làm phim nào làm được điều đấy thì quá giỏi. Không phải dễ để làm được. Thực sự rất là khó”.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh (Theo Nhà báo & Công luận)

“Vấn đề bây giờ là nên chiếu ngay cho báo chí xem, khán giả xem. Phải xem mới đánh giá được, vì những người đã xem đánh giá phim tốt, những người lớn tiếng chê bai phim này, đặt câu hỏi này, câu hỏi kia về phim đều chưa xem, chưa xem sao lại bảo là tô hồng lịch sử, là không trung thực với lịch sử, là dở, hãy xem đi và đánh giá”.
 

Mời các bạn đón đọc Kỳ 2: Làm thế nào để phim nhà nước đặt hàng có hiệu quả? (Đăng tải trên Tạp chí Thế giới điện số 20, ra ngày 20/10/2014).

Kim Anh (Nguồn TGĐA)

 
Niềm tin Văn học tuổi 20 (Thứ Sáu, 29/08/2014 01:32)
Lê Khánh - Cô nàng độc thân vui tính (Thứ Tư, 20/08/2014 01:35)
Kim Tuyến: Với diễn xuất, tôi chỉ là kẻ mới tập đi! (Thứ Ba, 19/08/2014 05:34)
Ông Lâm Chí Thiện: “YouTV là một chiến lược mới của IMC” (Thứ Năm, 17/07/2014 01:28)
Kiều Khanh: "Ầu ơ ví dầu" là một thử thách lớn! (Thứ Năm, 10/07/2014 09:54)
Thành Được "Hoàng tử của dòng phim soap opera" (Thứ Sáu, 04/07/2014 11:21)
Ngân Khánh: Phía sau vẻ đẹp mong manh… (Thứ Sáu, 27/06/2014 05:17)
Kim Tuyến - “Giấc mơ được đến Paris đã trở thành hiện thực…” (Thứ Ba, 03/06/2014 02:30)
Kim Dung – Từ sàn catwalk đến phim trường (Thứ Năm, 22/05/2014 03:28)
Lê Phương - “Cứ nhặt góp dần rồi mình sẽ tiến được thôi!” (Thứ Ba, 06/05/2014 10:05)
Đóa Ngọc Lan ngát hương (Thứ Sáu, 14/03/2014 04:42)
Quốc Cường: “Khi đã lựa chọn thì phải làm hết mình” (Thứ Sáu, 07/02/2014 10:41)
Nhật Kim Anh từ "vịt con xấu xí" thành "thiên nga lộng lẫy" (Thứ Năm, 02/01/2014 09:01)
Steven Chí Dũng “ru lại câu hò” (Thứ Hai, 02/12/2013 09:29)
Quang Tuấn: “Làm tốt việc của mình, khán giả sẽ ủng hộ” (Thứ Năm, 31/10/2013 04:31)
 
 
 
LIÊN HỆ
Đề cử
Bình chọn
Giới thiệu
TRANG CHỦ
Bản quyền thuộc Tập đoàn Quốc tế Truyền thông IMC. Bảo lưu mọi quyền.

Địa chỉ: 62 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, Tp.HCM. Email: info@imcorp.com.vn. Điện thoại: (028) 3848 0678