Sống cùng lịch sử rũ bùn đứng dậy
 
Thứ Ba, 11/11/2014 09:10

Cuộc tấn công vừa qua của giới truyền thông vào các Hãng phim Nhà nước mà, cụ thể là phim Sống cùng lịch sử cho thấy nhiều điều chúng ta cần phải điều chỉnh.

 
 
 
 
 

Chân dung các nhà “phê bình phim’’ và cách phê bình của họ.

Để làm một nhà gọi là “phê bình phim” ở nước ta (nói cả nước thì to tát, chủ yếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) thì dễ ợt. Nhiều nhà báo có lương tâm và tư cách đã vẽ chân dung của đa số các nhà “phê bình phim’’ hiện nay bằng mấy nét chấm phá nhưng vô cùng xác đáng: Nhận giấy mời, đến dự tiệc ra mắt, nhận thông cáo báo chí cùng mấy tấm ảnh của nhà sản xuất đưa cho. Khi phim chiếu được dăm phút, lợi dụng bóng tối thì chuồn. Sau đó chép lại thông cáo báo chí rồi gửi bài đến ban biên tập. Thế là trở thành “nhà phê bình phim’’.

Khn_gi_th__i_xem_Sng_cng_lch_s

Khán giả thủ đô đi xem Sống cùng lịch sử

Một kiểu “phê bình phim’’ nhưng không xem phim

Đa số những nhà “phê bình phim’’ vừa rồi đều có chung một “cái đức’’ là không đến rạp xem phim. Lý do vì không ai mời và cũng không bao giờ chịu bỏ tiền mua vé. Nhưng khi được phỏng vấn thì phồng mang trợn mắt, nói như thánh tướng. Nào “nâng quan điểm chính trị’’ này nọ; nào đòi “xét lại tính hệ thống’’ của cơ chế; nào đòi “đưa ra tòa’’ đoàn phim… Đấy là nói về những “nhà phê bình phim U60-70. Còn những “nhà phê bình phim’’ trẻ thì sao? Có nhiều người gọi điện phỏng vấn tôi với những câu hỏi rất ngô nghê, nhưng khi tôi hỏi lại, rằng bạn đã xem phim này chưa thì hồn nhiên đáp “em chưa xem nhưng em “có quyền’’(!) hỏi. Tôi hỏi lại, rằng em có dám trung thực ghi vào bài phỏng vấn một câu, rằng “tuy tôi chưa xem nhưng tôi đặt câu hỏi này’’ thì phóng viên đó không dám và tắt máy. Rất tiếc, chẳng có ai dũng cảm như một người phụ nữ như bà Đinh Thanh Hương, Giám đốc hãng phim Thiên Ngân, nói thẳng là “tôi chưa xem phim nên, xin lỗi, tôi không bình luận‘’!

Chính vì có “cái đức’’ không xem phim nhưng cứ muốn làm “nhà phê bình’’ nên những người này chỉ có chung một mục đích là nhăm nhăm nhìn vào số tiền làm phim rồi kêu toáng lên. Một nhà báo lớp trước phải ngạc nhiên kêu lên: “Thời chúng tôi làm báo, có phê bình phim thì tranh luận với nhau về tình huống, nhân vật hay chi tiết… Bây giờ, cấm thấy bài báo nào nói về những điều đó nữa! Tất cả cứ sôi sung sục vì tiền!’’.

Một kiểu “phê bình phim nói chõ’’

Trong khi các nhà phê bình điện ảnh chưa kip lên tiếng thì “các nhà phê bình’’ của các thứ nghệ thuật khác lại hùng hổ nhảy ra phanh ngực trước bàn dân thiên hạ. Mấy anh chàng chuyên cầm bút lông, xưa nay vốn tích hợp nhiều chuyện cho thiên hạ đàm tiếu, giờ không vẽ được nữa, cũng ngông cuồng phát ngôn những lời đầy tính hình sự! Mấy chị vốn chỉ loanh quanh ở sân khấu cũng nhảy đại vào với những lời dạy bảo ngoa ngôn hết sức chung chung!  Và mấy nhà “chung cư học’’, “cái gì cũng viết, báo nào cũng in’’ cũng làm ra vẻ thông tỏ về phim ảnh lắm đây, bàn những tầm vĩ mô toàn cầu!  Mấy nhà khác làm đủ các thứ cũng ngồi vào bàn tròn bàn luận về các thể loại phim! Thậm chí có mấy phóng viên TV đến quay lúc rạp còn vắng người, rồi phỏng vấn đại vài ba người bỏ về sớm sau khi xem phim tài liệu rồi cắt dán một cách thô lậu, dùng cả tư liệu cũ, vội vã đưa lên màn hình đầy tính chụp giật. Có kẻ lại ra vẻ cao tay, mượn lời nhóm người chuyên làm phim bôi xấu đất nước để chiều lòng mấy đứa chống cộng phương Tây, phê phán dòng phim chính thống. Nếu tập hợp các bài nói, các bài viết của các vị này in thành một cuốn sách, dày khoảng nghìn trang, nhan đề ngoài bìa là “PHÊ BÌNH NHẢM’’.

Cnh_trong_phim_Sng_cng_lichj_s

Cảnh trong phim Sống cùng lịch sử

Một kiểu “phê bình phim’’ bắt phải theo ý mình!

Khi xem phim của các hãng phim tư nhân thì những “nhà phê bình phim’’ này ra cái vẻ làm mình làm mẩy là yêu cầu các phim giải trí phải “có tính giáo dục’’, phải “nâng cao nhận thức’’ của người xem. Còn khi xem những phim của Nhà nước đặt hàng thì họ lại ra mặt nghiêm túc, đòi hỏi những phim này phải “có tính giải trí’’ và “tăng thêm yếu tố thương mại’’. Phim tuyên truyền phục vụ miễn phí cho nhân dân thì họ hỏi: Sao không bán được vé? Còn phim thương mại thì họ lại chê không có tính tuyên truyền. Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến một chuyên ngụ ngôn. Chuyện kể rằng, một lần, quỷ đi với người. Quỷ thấy người cầm hòn đá quý lấp lánh. Quỷ bảo sao người không ăn? Khi người bán hòn đá đó, mua pho mát, thì quỷ lại bảo, sao hòn đá (lúc này) không còn long lanh nữa? Quỷ liền chê con người là phức tạp.

Rũ bùn đứng dậy

Khn_gi_i_xem_Sng_cng_lch_s_ti_TTCPQG

Khán giả đi xem Sống cùng lịch sử tại TTCPQG

Sự thật là, những lời chê trên các báo, đặc biệt là báo điện tử, đều không ngăn được những dòng người đến rạp. Tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia, ngay buổi ra mắt, tại phòng chiếu số 1 với 400 chỗ, vẫn phải kê thêm ghế. Những buổi sau, số ghế kê thêm dọc lối đi vẫn tăng lên. Tại rạp chiếu của CGV, số lượng người xem tăng lên từng ngày. Trước giờ chiếu, người xem đã tụ tập ngoài cửa rạp từ sớm. Có nhiều người, không có vé, vẫn đến rạp. Các nhân viên soát vé cũng đã linh động để họ vào sau và có người phải ngồi bệt xuống sàn. Tổ soát vé đành phải mở thêm kho, xuất thêm ghế. Trong khi xem phim, nhiều người đã giơ điện thoại lên, chụp lại những cảnh hay trong phim. Nhiều người xem với đôi mắt rưng rưng. Và đặc biệt, có nhiều khán giả, sau khi xem phim đã lên tiếng chê trách giới truyền thông vừa thiếu đạo đức vừa vô văn hóa! Thậm chí, có nhiều người còn không muốn đứng dậy dù những dòng chữ cuối cùng trên phim đã hết, dù đèn đã bật sáng. Họ vẫn ngồi lại như muốn một lần nữa, được sống lại cùng bộ phim. Tôi đã gặp những khán giả đến xem phim nhiều lần. Hỏi thăm, họ nói, bộ phim rất giàu ý nghĩa nhân văn, đích thân họ lấy làm vinh dự được tuyên truyền cho những người thân của mình thưởng thức bộ phim. Để ghi nhận lại những lời nói chân thành, đầy xúc cảm ấy, Hãng phim truyện Việt Nam đã cử một tổ quay phim gồm ba máy do nhà quay phim Vũ Đức Tùng phụ trách. Tổ quay phim này đã 5 ngày đêm liên tục ghi hình, phỏng vấn những khán giả sau khi xem phim. Những lời phát biểu của họ tràn đầy nhiệt huyết, tràn đầy lửa cách mạng, thiêu rụi những bài báo to xác vô hồn. Những lời nói của những con người chân chính ấy đã đốt cháy những con phù du thiêu thân dám lao vào ánh sáng của lịch sử dân tộc.

Đặc biệt, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, người theo sát bộ phim ngay từ những dòng đầu tiên cho đến khi phim công chiếu, đã phát biểu những lời vô cùng sâu sắc trong buổi ra mắt: “Những xúc cảm, những giọt lệ rưng rưng trên mắt người xem, đó là lãi suất của tâm hồn, lãi suất của lòng yêu nước. Không thể có lãi suất nào sánh được!’’. Hàng trăm con người vỗ tay như đồng lòng chia sẻ những lời âm vang từ một cựu chiến binh, một nhà thơ luôn cháy bỏng trái tim yêu nước, một lời vọng về từ Điện Biên bất tử. Và không thể không nói đến việc hàng trăm đội chiếu bóng của các địa phương, hàng chục bản phim của các đơn vị bộ đội cùng các bản phim HD được gửi về các tỉnh, thành phố để phục vụ quần chúng. Chỉ tính trong dịp 30/4 và 7/5 năm 2014, con số người xem Sống cùng lịch sử trên toàn quốc đã là hơn 250.000 lượt người.

o_din_Nguyn_Thanh_Vn_trn_trng_quay_phim_Sng_cng_lch_s

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân trên trường quay phim Sống cùng lịch sử
 

Bài học của những Hãng phim
Cuộc tấn công vừa qua của giới truyền thông vào các Hãng phim Nhà nước mà, cụ thể là phim Sống cùng lịch sử cho thấy nhiều điều chúng ta cần phải điều chỉnh. Mọi người đều nhận ra rằng, việc quảng cáo phim là hết sức cấp bách, không thể chậm ngày một ngay hai được. Vấn đề này cần được sự hợp  tác của Bộ Tài chính. Bởi trong kinh phí mà Bộ cấp cho Dự án làm phim, không có khoản nào dành cho việc quảng cáo. Con số 50 triệu là số tiền chi cho việc in áp-phích phim. Trong khi đó, việc quảng cáo đối với các Hãng phim nước ngoài luôn lớn hơn rất nhiều so với số tiền làm phim. Ở Mỹ, người ta tính trung bình, cứ 1 USD làm phim thì phải có 3 USD dành cho quảng cáo. Việc quảng cáo trên taxi, trên xe bus, trên băng-rôn, trên truyền hình, trên các con phố chính ra sao…đều được tính toán bài bản. Ngay đến áp-phích quảng cáo bộ phim, kích cỡ bao nhiêu là chuẩn, cũng đều phải chuyên nghiệp. Thậm chí, các họa sỹ phải làm hàng chục bản thiết kế quảng cáo để các chuyên gia loại bỏ và chọn ra cái nào thích hợp nhất. Các Hãng phim của Pháp, Nga hay Trung Quốc đều đang đi theo cách làm này.

Trong thời đại internet, việc đưa tin đoàn phim hàng giờ, hàng ngày trên facebook, trên website của bộ phim, của các thành viên đoàn phim… đều được tiến hành thường xuyên, tạo không khí tưng bừng về bộ phim trong tâm lý người xem.

Và hiện nay, việc phát hành không chỉ nhìn vào Trung tâm chiếu phim Quốc gia mà, các Hãng phim cần phải thành lập tổ marketing, tiếp thị cho bộ phim. Các tổ này cần liên hệ với các chủ rạp, các công ty phát hành phim trong khu vực châu Á và quốc tế ngay từ khi kịch bản được đưa vào sản xuất. Câu chuyện  này không học đâu xa. Chỉ cần các Hãng phim Nhà nước tổ chức hội thảo với các Hãng phim Tư nhân, ít nhất có thể tìm được những gợi ý cho hướng ra của bộ phim.

Nếu chúng ta không xúc tiến ngay những việc làm cần thiết này thì những bộ phim tiếp theo, các Hãng phim Nhà nước sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mà mình không thể ngờ. Hãy chuyển động khi nước đã đến chân. Tự mình cứu mình trước khi trời cứu. Và điều cuối cùng cần phải khẳng định: Những bộ phim do Nhà nước đặt hàng phục vụ chính trị, lịch sử, văn hóa dân tộc thì Lợi nhuận là đưa phim đến được quảng đại giới trí thức, bộ đội, công nhân, nông dân, học sinh – sinh viên cả nước, còn những phim giải trí, thương mại chiếu rạp thì lợi nhuận là Tiền. Sự nhầm lẫn trong nhận thức sẽ dẫn đến những hành xử sai lầm như thời gian qua.

Đoàn Tuấn (Nguồn TGĐA)

 
Tạp chí Thế giới điện ảnh số 21 (Tháng 11/ 2014): Câu chuyện dòng sông (Thứ Năm, 06/11/2014 11:23)
Phim Việt thi LHP Quốc tế: Nhiều ứng viên sáng giá mất cơ hội (Thứ Hai, 03/11/2014 05:00)
Chung kết Nữ sinh viên Việt Nam duyên dáng 2014 (Thứ Hai, 03/11/2014 08:54)
Phim Việt Nam tham dự LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 3 (Thứ Năm, 30/10/2014 05:30)
Diễn viên Duy Nhân mắc bệnh ung thư vòm họng cần giúp đỡ (Thứ Hai, 27/10/2014 04:28)
Trương Ngọc Ánh kể chuyện Hương Ga bằng âm nhạc (Thứ Hai, 27/10/2014 04:23)
Rạng ngời áo dài Việt đêm bán kết “VMU 2014” tại TP.HCM (Thứ Tư, 15/10/2014 04:26)
Phim Sống Cùng Lịch Sử nhộn nhịp người xem (Thứ Ba, 14/10/2014 11:37)
Điện ảnh Việt và những cung bậc xúc động trong màn mưa (Thứ Tư, 08/10/2014 09:15)
Nhà nước có nên tiếp tục đặt hàng, tài trợ cho điện ảnh? (Thứ Ba, 07/10/2014 09:34)
THẾ GIỚI ĐIỆN ẢNH 5/10/2014 - "Các Dòng Phim Đều Chảy..." (Thứ Ba, 07/10/2014 08:49)
Sơ khảo VMU 2014 tại TP. HCM và Cần Thơ: Bữa tiệc muôn màu “vẻ đẹp của sự thông minh” (Thứ Ba, 23/09/2014 11:20)
“Trung thu Hội ngộ" cùng sao Việt (Thứ Tư, 10/09/2014 11:30)
NSƯT Mỹ Uyên “Tôi gai người ngay khi đọc kịch bản!” (Thứ Tư, 10/09/2014 11:13)
THẾ GIỚI ĐIỆN ẢNH SỐ 17: "Ca sĩ & Điện ảnh" (Thứ Sáu, 05/09/2014 02:10)
 
 
 
LIÊN HỆ
Đề cử
Bình chọn
Giới thiệu
TRANG CHỦ
Bản quyền thuộc Tập đoàn Quốc tế Truyền thông IMC. Bảo lưu mọi quyền.

Địa chỉ: 62 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, Tp.HCM. Email: info@imcorp.com.vn. Điện thoại: (028) 3848 0678