Nuôi dưỡng những cây viết trẻ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật
 
Thứ Sáu, 24/07/2015 01:33

Hội nghị những người trẻ viết lý luận, phê bình văn học nghệ thuật khu vực phía Nam được Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, Nghệ thuật Trung ương tổ chức ngày 23/7/2015 tại Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm tập hợp lực lượng, đánh giá đúng thực trạng và tìm ra giải pháp phát triển đội ngũ trẻ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong thời gian tới.

 
 
 
 
 

PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật TW phát biểu khai mạc, chỉ đạo Hội nghị. Ảnh Trần Thắng

PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật TW phát biểu khai mạc, chỉ đạo Hội nghị...

Phát biểu khai mạc, chỉ đạo Hội nghị, PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng nêu rõ: Tiếp tục triển khai Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), cần chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Trong đó, nuôi dưỡng tài năng những cây viết trẻ lý luận, phê bình văn học nghệ thuật là trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Đây là dịp để Hội đồng tập hợp các ý kiến tâm huyết của các cây viết trẻ, từ đó đề xuất, kiến nghị các cơ quan chức năng ở Trung ương về lĩnh vực này.

Báo cáo đề dẫn Hội nghị, PGS, TS Đào Duy Quát cho rằng: Lý luận văn học, nghệ thuật là một bộ phận của khoa nghiên cứu văn học, nghệ thuật là khoa học nghiên cứu các quy luật chung của hoạt động văn học, nghệ thuật, bao gồm bản chất, đặc trưng, cấu tạo, quy luật tồn tại và phát triển của văn học, nghệ thuật nói chung cũng như từng loại hình nghệ thuật nói riêng. Phê bình văn học, nghệ thuật là sự thẩm định, lý giải, đánh giá các tác phẩm, tác giả, sự kiện, hiện tượng văn học, nghệ thuật đương đại (hoặc có ý nghĩa với đương đại). Lý luận, phê bình là một bộ phận hữu cơ, giữ vị trí quan trọng trong đời sống văn học, nghệ thuật của một dân tộc, một thời kỳ lịch sử. Lý luận, phê bình tạo nền tảng, đồng hành để nắm bắt, nhận diện, đánh giá, tổng kết văn học, nghệ thuật dân tộc từng thời kỳ, giai đoạn với phương pháp và đối tượng riêng, là nhân tố nội tại góp phần trực tiếp tổ chức, vận hành một quá trình văn học, nghệ thuật, là nhịp cầu giữa công chúng tiếp nhận và người sáng tạo, văn học, nghệ thuật và xã hội. Lý luận, phê bình tác động tới sự nhìn nhận và đánh giá của người sáng tạo đối với hiện thực đời sống, gợi ý cho tác giả những vấn đề có ý nghĩa, tồn tại song hành cùng sáng tác như một cơ chế giám sát đầy hiệu năng của xã hội nhằm động viên, khuyến khích hay cảnh tỉnh, cảnh báo. Với vị trí và vai trò như vậy, lý luận, phê bình có chức năng thẩm định, đánh giá tác phẩm, tác giả,phát hiện các giá trị, các quy luật, dự báo, phát hiện cái mới, đánh giá khả năng phát triển của các hiện tượng văn học, nghệ thuật, tạo điểm tựa cho sự ra đời của các trào lưu, khuynh hướng hay trường phái nghệ thuật. Bên cạnh đó, lý luận, phê bình có chức năng tham gia điều chỉnh, định hướng sự vận động, phát triển của văn học, nghệ thuật.

Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, như vai trò của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội;  truyền thống lịch sử văn hóa; hiệu quả công tác lãnh đạo quản lý văn học, nghệ thuật; lực lượng đội ngũ, tài năng phê bình; công chúng văn nghệ và các nhân tố khác của đời sống văn học, nghệ thuật;… Trong đó, nhân tố trung tâm, nổi bật là lực lượng, tài năng, bản lĩnh của đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn nghệ. Có quan điểm cho rằng, sáng tác khó trong khi phê bình rất dễ. Đây là quan điểm sai lầm. Đạt đến kiệt tác thì lý luận, phê bình hay sáng tác đều khó và hiếm như nhau. Trong nhiều trường hợp, tác phẩm lý luận, phê bình có thể đưa tác giả, tác phẩm lên một tầm cao mới hoặc vượt ra ngoài tác giả, tác phẩm để đặt ra những vấn đề lớn về tư tưởng (thí dụ như trường hợp của Biêlinxki hoặc M. Bakhtin,…). Vai trò của tài năng lý luận, phê bình, đặc biệt là đội ngũ những người viết trẻ và lực lượng kế cận trong đời sống văn học, nghệ thuật là đặc biệt quan trọng. Để tăng cường đội ngũ cần có kế hoạch, chế độ đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện về môi trường làm việc thuận lợi để phát triển, phát huy đội ngũ, tài năng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Trải qua 30 năm đổi mới, đặc biệt là sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay đã đạt được những kết quả nhất định, theo hướng ngày càng phong phú, đa dạng, mới mẻ và có vấn đề đi vào chiều sâu hơn.

Tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều bất cập, yếu kém. Lý luận văn học, nghệ thuật vẫn còn những biểu hiện lạc hậu, xơ cứng, chưa theo kịp với thực tiễn sáng tác, trong khi phê bình đang có những biểu hiện lúng túng, chưa khẳng định được vị trí, vai trò đồng hành, định hướng cho sáng tác. Hiện nay đang tồn tại tình trạng rất đáng lo ngại: phê bình báo chí với những biểu hiện thương mại hóa lấn át phê bình chuyên nghiệp; sự mất cân đối trong hoạt động phê bình giữa các loại hình nghệ thuật và giữa các địa phương; lực lượng phê bình đang thiếu hụt nghiêm trọng, những người đang làm nghề có những biểu hiện né tránh, ngại va chạm trong khi việc đào tạo, bồi dưỡng không phát huy được hiệu quả; hệ thống cơ chế chính sách trong việc sử dụng, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ lý luận, phê bình quá lạc hậu, chưa tạo được động lực sáng tạo;…

Đội ngũ trẻ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay đang thiếu và yếu. Trong những năm qua đã xuất hiện một số gương mặt lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trẻ với những bài viết bước đầu thu hút được sự quan tâm của bạn đọc. Tuy nhiên, điều dễ thấy là đội ngũ các cây bút trẻ viết lý luận, phê bình hiện nay đang thiếu hụt trầm trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực nghệ thuật. Trong quá trình chuẩn bị hội nghị này, mặc dù đã rất cố gắng nhưng chúng tôi cùng với các địa phương, các hội chuyên ngành trung ương rất khó tìm được các cây bút lý luận, phê bình trẻ nổi bật ở các ngành nghệ thuật.

Chất lượng phê bình văn học, nghệ thuật trẻ hiện nay chưa cao. Trong thời gian qua, các cây bút trẻ đã cố gắng tìm tòi, thể nghiệm một số khuynh hướng phê bình hiện đại vào nghiên cứu, phê bình các hiện tượng văn học, nghệ thuật nổi bật. Tuy nhiên, việc vừa nghiên cứu, tìm hiểu vừa ứng dụng những lý thuyết văn học, nghệ thuật của nước ngoài dẫn tới tình trạng còn nhiều công trình thiếu độ nhuần nhuyễn, chiều sâu và tính thuyết phục. Bên cạnh đó, hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trẻ hiện nay đang bộc lộ những dấu hiệu của sự nóng vội, thiếu tỉnh táo, bản lĩnh nghề nghiệp, ngại va chạm, chưa thực sự bám sát đời sống sáng tác đa dạng, “bề bộn”. Vì chưa thực sự hòa mình vào thực tiễn, trong tác phẩm phê bình của các cây bút trẻ rất dễ bắt gặp những cách diễn đạt còn dài dòng, tầm chương trích cú nhưng lại chưa đi vào cốt lõi vấn đề cần giải quyết. Trong khi đó, một số cây bút lý luận, phê bình trẻ đang có những biểu hiện xa rời chuẩn mực, dẫn đến quan điểm lệch lạc trong nhìn nhận, đánh giá một số vấn đề của đời sống văn học, nghệ thuật nói chung, đánh giá một số sự kiện tác phẩm, tác giả nói riêng.

Công tác đào tạo ngành lý luận, phê bình hiện nay gặp rất nhiều khó khăn và không phát huy được vai trò tạo dựng đội ngũ kế cận. Qua khảo sát một số trường văn hóa nghệ thuật, công tác tuyển sinh đặc biệt khó khăn. Trong rất nhiều năm qua, hàng năm, mỗi ngành chỉ có từ 5 đến 10 hồ sơ đăng ký dự thi, thậm chí có những ngành nhiều năm không thể tuyển được sinh viên. Đáng chú ý, ở một số khoa văn học, nghệ thuật, nội dung giảng dạy, nghiên cứu có không ít hạn chế, bất cập, thậm chí đáng lo ngại. Những sinh viên đã tốt nghiệp phần lớn không thể tìm được việc làm theo đúng chuyên môn được đào tạo. Thực trạng này đang đặt ra vấn đề đội ngũ kế cận làm công tác lý luận, phê bình, đặc biệt trong các ngành nghệ thuật đang ở trạng thái báo động.

Sau khi nghe 15 ý kiến tham luận, phát biểu kết luận Hội nghị, PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh đã gợi mở những định hướng, giải pháp sau:

Một là, các cơ quan chức năng cần thực sự chăm lo công tác phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng cây bút trẻ có triển vọng, say mê, tâm huyết viết về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Cổ vũ khát vọng, ý chí vươn lên của các cây viết trẻ. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các cây viết trẻ dũng cảm, dám nghĩ, dám viết. Cần tập hợp lực lượng, tạo diễn đàn riêng cho các cây bút lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trẻ công bố kết quả nghiên cứu, trao đổi học thuật. Huy động nguồn lực đầu tư có hiệu quả cho các cây bút lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trẻ. Hội Nhà báo Việt Nam cần bổ sung hạng mục giải thưởng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong hệ thống giải báo chí toàn quốc hằng năm. 

Các trường văn hóa nghệ thuật cần phối hợp chặt chẽ với các Hội văn học, nghệ thuật các tỉnh, thành phố và các trường phổ thông để kịp thời phát hiện những năng khiếu văn học, nghệ thuật nói chung và năng khiếu lý luận, phê bình nói riêng. Cần tập trung rà soát, quy hoạch lại hệ thống các trường, khoa chuyên môn đào tạo ngành lý luận, phê bình, khôi phục lại các mã ngành đào tạo lý luận, phê bình, đổi mới hệ thống chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy theo hướng toàn diện, hiện đại. Cần tăng cường đào tạo các em có nền tảng triết học, mỹ học cũng như có vốn ngoại ngữ tốt. Nhà nước cần giành khoản kinh phí cần thiết để hàng năm gửi đi đào tạo cử nhân và nghiên cứu sinh về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật tại một số trường, viện nghiên cứu nổi tiếng của Tây Âu, Bắc Âu, Nga, Trung Quốc, Mỹ, Úc… Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng kế hoạch sử dụng các cây bút lý luận, phê bình được đào tạo bài bản, đặc biệt ở hệ thống các cơ quan báo chí văn nghệ hoặc có chuyên trang, chuyên mục văn nghệ. 

Hai là, bản thân các cây viết trẻ cần tự học, tự đọc, đắm mình trong cuộc sống để tạo vốn sống cho sáng tạo các tác phẩm lý luận, phê bình. Đồng thời các cây viết trẻ cũng tự khắc phục tư tưởng tự mãn hoặc tự ti của mình. 

Ba là, phát huy vai trò của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với các Hội văn học, nghệ thuật và các báo, đài để vừa tập hợp bồi dưỡng, định hướng vừa tạo nhiều diễn đàn cho lực lượng lý luận, phê bình hoạt động và kiến nghị Nhà nước ban hành sớm một số cơ chế chính sách, nhất là chế độ nhuận bút, đặt hàng mua các tác phẩm hay cho hệ thống các thư viện, bảo tàng, hỗ trợ sáng tạo và cơ chế tôn vinh các cây bút trẻ lý luận, phê bình.

Trần Thắng (Nguồn Tuyên Giáo)

Toàn cảnh hội nghị

Ông Phạm Đức Hải, nguyên TBT báo Tuổi trẻ nói về phê bình trên báo chí

TS Phạm Ngọc Hiền phát biểu về phê bình văn học

Ngô Thị Hạnh phát biểu về phê bình điện ảnh

Giờ giải lao của các đại biểu

Đoàn văn nghệ sĩ TP. Hồ Chí Minh

 
Nam diễn viên chính phim Cô dâu 8 tuổi sang Việt Nam (Thứ Ba, 21/07/2015 08:41)
Nhà thơ Bùi Nguyễn Trường Kiên: "Ru cho một thưở..." (Chủ Nhật, 19/07/2015 01:23)
ÁO TRẮNG Tập 6.2015 (Thứ Sáu, 17/07/2015 10:18)
THỂ LỆ CUỘC THI VUI CÙNG "CÔ DÂU 8 TUỔI" (Thứ Năm, 16/07/2015 09:44)
Hội Điện ảnh VN: không tiền, không quyền, không làm được gì? (Thứ Tư, 15/07/2015 02:02)
Đinh Y Nhung đóng phim của đạo diễn người Đức (Thứ Tư, 15/07/2015 01:40)
Xuân Hiệp, Thùy Trang đi dự casting phim "Chị em nhà Đông Các" (Thứ Tư, 15/07/2015 01:28)
Tú Vi và Văn Anh đính hôn (Thứ Sáu, 10/07/2015 09:49)
Lotte Cinema tặng vé miễn phí trong tháng 7 trên toàn quốc. (Thứ Tư, 08/07/2015 02:20)
Những chuyện bình thường quanh “Cô dâu 8 tuổi” (Thứ Tư, 08/07/2015 02:16)
Tạp chí Thế giới Điện ảnh: "VUI SAO NƯỚC MẮT LẠI TRÀO…" (Thứ Tư, 08/07/2015 02:03)
Hari Won vào vai bà trùm cực ngầu (Thứ Sáu, 03/07/2015 09:23)
Tuần phim Việt Nam tại Hoa Kỳ (Thứ Năm, 02/07/2015 10:03)
“Hi5 – Cùng hát cùng chơi”: Sân chơi bổ ích cho bé yêu (Thứ Năm, 02/07/2015 09:38)
Khen chê phim Quyên: chuyện 22 tỉ và 3 đĩa cơm sườn (Thứ Ba, 30/06/2015 04:58)
 
 
 
LIÊN HỆ
Đề cử
Bình chọn
Giới thiệu
TRANG CHỦ
Bản quyền thuộc Tập đoàn Quốc tế Truyền thông IMC. Bảo lưu mọi quyền.

Địa chỉ: 62 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, Tp.HCM. Email: info@imcorp.com.vn. Điện thoại: (028) 3848 0678